10 Bí Quyết Giúp Bạn Giao Tiếp Hiệu Quả Hơn
Kỹ năng giao tiếp giúp bạn kết nối được với cộng đồng, thể hiện ý tưởng công việc đến cấp trên và các đồng nghiệp hoặc nhân viên cấp dưới. Khả năng duy trì cuộc trò chuyện rành mạch và tự tin đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của mỗi người, đối với nhân viên bán hàng bạn có thể tìm kiếm được nhiều khách hàng hơn nhờ khả năng thuyết phục của mình, đối với nhà quản trị bạn có thể truyền đạt ý tưởng đến nhân viên của mình đồng thời tìm kiếm các đối tác tiềm năng về cho doanh nghiệp.
Vậy làm cách nào để có thể giao tiếp hiệu quả với tất cả mọi người, kể cả người bạn không thích? Làm thế nào để có được cuộc trò chuyện thú vị hơn mà không cảm thấy lãng phí thời gian hay buồn chán? Đặc biệt, một cuộc trò chuyện không làm tổn thương bất kỳ ai?
Sau đây là 10 bí quyết giúp bạn giao tiếp hiệu quả hơn:
1. Đừng làm nhiều việc cùng một lúc, hãy ở hiện tại, tập trung vào đối thoại.
Tập trung vào câu chuyện của bạn
Hãy bỏ chiếc điện thoại của bạn xuống, máy tính bảng, chìa khóa hoặc bất cứ thứ gì bạn đang cầm,... Hãy bỏ chúng xuống.
Không chỉ có thế, điều bạn cần làm nhất ở đây chính là hãy thực sự có mặt trong cuộc trò chuyện, thực sự có mặt trong giây phút đó, đừng bận tâm về những chuyện bạn đang gặp phải, hay những chuyện quá khứ đã xảy ra, hãy tập trung vào người đối diện bạn, hãy tập trung vào người đang trò chuyện với bạn.
2. Mỗi cuộc trò chuyện đều mang đến một bài học.
"Mỗi một người bạn gặp đều biết thứ gì đó mà bạn không biết" - Bill Nye
Đừng nghĩ rằng bạn luôn luôn đúng, còn người khác thì sai. Nếu bạn muốn thể hiện ý kiến, nhưng lại không muốn bị phản đối, tranh cãi, góp ý,.. cách tốt nhất cho bạn là viết nhật ký.
Để không trở thành một người tẻ nhạt, hãy bắt đầu một cuộc trò chuyện với suy nghĩ sẽ học được một thứ gì đó mới mẻ. Hạ cái tôi của bản thân xuống, bỏ bớt ý kiến cá nhân của bạn, vì khi một người nói cảm thấy nhận được sự chấp nhận, họ sẽ trở nên bớt tổn thương và hé mở những góc khuất bên trong tâm hồn mình cho người nghe. Mỗi câu chuyện là một bài học, hãy luôn nhớ điều này!
3. Sử dụng nhiều câu hỏi mở.
Hãy sử dụng nhiều câu hỏi mở trong giao tiếp
Có một sự thật mà bạn không thể phủ nhận đó là nếu bạn đặt câu hỏi càng phức tạp thì câu trả lời bạn nhận được càng đơn giản. Đừng hỏi quá chi tiết những điều bạn muốn biết, hãy để người nói mô tả những gì họ đã trải qua theo cảm nhận mà họ có được. Bên cạnh đó, hãy cho họ có thời gian để suy nghĩ về câu chuyện họ sắp kể, đừng vội vàng,... Câu trả lời mà bạn nhận được nhất định sẽ thú vị hơn nhiều.
4. Thuận theo dòng chảy tự nhiên của cuộc trò chuyện.
Gạt bỏ những suy nghĩ ngoài lề
Có nhiều suy nghĩ khác nhau sẽ đến với bạn trong lúc đang trò chuyện, tuy nhiên hãy để chúng thoát ra khỏi tâm trí bạn lúc đó. Điều này giúp tránh được trường hợp bỗng nhiên câu nói của bạn trở nên không ăn khớp gì với cuộc trò chuyện đang diễn ra đúng không?
5. Hãy nói không biết nếu bạn thật sự không biết. Đừng nói những điều kém chất lượng.
Mỗi lời bạn nói ra sẽ thể hiện được giá trị của bạn, vì thế hãy cận trọng trong mỗi câu nói của mình. Bạn phải nhận thức được rằng mình đang nói những gì và điều đó có gây ảnh hưởng đến người khác hay không?
Đặc biệt khi bạn là chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó, mỗi lời nói của bạn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh và uy tín của bạn trước đối tác và công chúng. Đừng nói về những gì bạn không chắc chắn hoặc còn mơ hồ, hãy nói những gì bạn biết rõ và chịu trách nhiệm về lời nói của mình.
6. Đừng đánh đồng trải nghiệm của bạn với người khác.
Nếu người khác đang nói về những gì họ đã trải qua, dù nó thật sự giống những gì bạn đã từng trải qua cũng đừng vội lên tiếng. Tình huống bề ngoài của câu chuyện nhìn có vẻ giống nhau nhưng trải nghiệm của mỗi người là hoàn toàn khác nhau. Tất cả trải nghiệm đều riêng biệt và quan trọng hơn, họ không phải đang nói về bạn, đừng tận dụng giây phút đó để chứng tỏ rằng bạn tuyệt vời như thế nào hay những gì bạn phải chịu đựng kinh khủng ra sao? Vì đây không phải là cơ hội để bạn tận dụng và quảng bá một thứ gì đó. Nhớ nhé!
7. Không lặp lại những lời đã nói.
Không lặp lại những lời đã nói vì điều này sẽ làm cho người nghe cảm thấy khó chịu và tẻ nhạt. Việc nhai đi nhai lại một nội dung không những gây phản cảm mà còn tạo ra một tâm lý không muốn tiếp nhận những lời bạn chuẩn bị nói ra. Hãy ghi nhớ những điều bạn đã nói và tránh lặp lại chúng nhiều lần.
8. Loại bỏ những chi tiết thừa
Người khác thật sự không quan tâm đến tên bạn là gì, bao nhiêu tuổi, điều họ làm họ ghi nhớ chính là tính cách của bạn ra sao và những điểm chung của bạn và họ. Hãy loại bỏ những chi tiết không cần thiết trong câu chuyện, hãy xác định rõ điều người khác muốn nghe và điều bạn cần nói.
9. Tập trung lắng nghe
"Hầu hết mọi người lắng nghe không phải để thấu hiểu, mà lắng nghe với ý định trả lời" - Stephen R. Covey
Đây không phải là bí quyết cuối cùng nhưng lại là bí quyết quan trọng nhất "Hãy lắng nghe". Hầu hết những chuyên gia đều công nhận lắng nghe là kỹ năng số một, kỹ năng quan trọng nhất mà bạn cần phát triển. Sai lầm dẫn đến những tranh luận gay gắt trong những cuộc đối thoại chính là không thể lắng nghe nhau, mỗi người đều thích được nói, được thể hiện cái tôi của mình ra và trở thành tâm điểm.
Ngoài ra, lý do khiến chúng ta không thể lắng nghe một cách tập trung là do chúng ta dễ bị phân tâm và bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài. Theo một nghiên cứu, chúng ta chỉ có thể nói 225 từ/phút nhưng lại có thể nghe đến 500 từ/phút. Vì thế, lắng nghe thật sự tốn rất nhiều năng lượng và đòi hỏi tập trung cao độ mới có thể thật sự chú ý đến một ai đó, nhưng nếu bạn không thể lắng nghe, bạn sẽ không thể trò chuyện được.
10. Chỉ nói ngắn gọn.
"Một cuộc trò chuyện phải giống như chiếc váy, phải đủ ngắn để trở nên hấp dẫn nhưng phải đủ dài để bao hàm nội dung chúng ta cần nói"
Để giữ được sức hút cho những cuộc đối thoại trở nên có giá trị, hạn chế nói quá dông dài. Người nghe sẽ dần mất tập trung vào câu chuyện và năng lượng của bạn cũng sẽ cạn kiệt. Hãy kết thúc câu chuyện của bạn ở thời gian thích hợp nhất nhưng cũng đảm bảo rằng chủ đề bạn nói đã được truyền đạt lại trọn vẹn.
Bài học rút ra:
Những bí quyết trên có thể được tóm gọn lại thành một nguyên tắc cơ bản, đó là "Hãy quan tâm đến người khác".
Hãy giữ im lặng ở mức độ thường xuyên nhất có thể, mở rộng tâm trí và luôn trong tâm thế sẵn sàng đón nhận những điều thú vị.
Một cuộc trò chuyện tích cực sẽ làm bạn thấy cuốn hút và đầy cảm hứng, nó thật sự làm cho bạn cảm thấy được kết nối và cảm giác được thấu hiểu.
Hãy ra ngoài, nói chuyện với người khác, lắng nghe những điều người khác nói và đón nhận những điều thú vị bạn nhé!