8 điểm nhà đầu tư quan tâm ở Startup
1. Startup / đội ngũ sáng lập là ai?
Thông tin về những người sáng lập dự án khởi nghiệp thường được nhà đầu tư quan tâm trước cả thông tin về ý tưởng. Tuy nhiên, giới thiệu về các thành viên trong đội ngũ startup không phải chỉ đơn thuần là giới thiệu tên tuổi của từng người, mà cần trình bày với nhà đầu tư về những giá trị mà mỗi cá nhân đã từng tạo ra được, chẳng hạn như các thành viên đã từng làm gì, ở công ty nào, tạo ra được giá trị gì cho công ty đó.
2. Ý tưởng là gì, giải quyết vấn đề gì và làm thế nào để giải quyết vấn đề đó?
Startup hãy truyền đạt thông điệp này bằng ngôn ngữ của một người đang mong muốn cung cấp giải pháp cho khách hàng. Có như vậy, ý tưởng về những giải pháp và cách thực hiện những giải pháp đó mới thu hút được nhà đầu tư.
3. Khách hàng mục tiêu là ai?
Câu hỏi này được đặt ra nhằm giúp nhà đầu tư biết được startup có tìm hiểu kỹ lưỡng về đặc trưng cụ thể của khách hàng tiềm năng - những người tiêu thụ sản phẩm/dịch vụ hay không. Sản phẩm của những nhà khởi nghiệp về công nghệ thường xuất phát từ những bức xúc, suy nghĩ cá nhân hơn là của khách hàng. Do đó, startup phải thay đổi hướng tiếp cận bằng cách vẽ ra chân dung cụ thể của khách hàng mục tiêu càng chi tiết càng tốt, chẳng hạn như khách hàng da trắng hay da vàng, thích cái gì, thường đi đâu, làm gì…
4. Sản phẩm và khả năng quản trị của startup có thể phát triển được bao nhiêu, trong bao lâu?
Khả năng nâng cao quy mô của dự án rất quan trọng. Có thể hiện tại sản phẩm chỉ ở giai đoạn bắt đầu, nhưng khi phát triển dần lên, chẳng hạn như đạt đến giá trị vài triệu đô thì startup phải đưa ra được hướng giải quyết các vấn đề phát sinh về mặt quản trị, về mặt hệ thống.
5. Startup có những nghiên cứu thị trường nào?
Các startup nên tập trung vào số liệu nhiều hơn vào câu chữ. Bởi đa phần startup sợ người khác không hiểu hiện trạng thị trường hoặc thông tin về sản phẩm/dịch vụ nên thường lý giải rất nhiều bằng ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết thay vì dùng các số liệu thực tế để chứng minh.
6. Startup trình bày ý tưởng bằng cách nào?
Startup không nên dùng ngôn ngữ của người làm kỹ thuật mà phải sử dụng ngôn ngữ của người làm kinh doanh để trình bày một cách dễ hiểu nhất về ý tưởng của mình. Đồng thời, chỉ tập trung tối đa vào giải pháp, tránh trình bày dài dòng, lan man.
7. Tương lai dự án như thế nào, startup mong gì ở nhà đầu tư?
Startup phải đưa ra được những con số, những viện dẫn giải thích cho những con số đó để làm việc với nhà đầu tư, tránh tình trạng quá khiêm tốn hoặc quá huyễn hoặc về tương lai của dự án. Nhà đầu tư cũng rất quan tâm đến sự tăng trưởng của startup sẽ đạt được đến mức nào trong trường hợp có sự tham gia của nhà đầu tư và ngược lại khi không nhận được vốn từ nhà đầu tư.
8. Startup có biết dự liệu tương lai (thất bại) hay không?
Khả năng thất bại luôn tiềm ẩn trong mọi dự án startup. Và nhà đầu tư rất quan tâm đến việc startup có nghĩ đến tình huống xấu nhất này hay không, và khi khả năng xấu nhất đó xảy ra thì họ sẽ làm thế nào để lấy lại một phần nguồn vốn hoặc xử lý rủi ro trong mô hình khởi nghiệp của mình.