5 lời khuyên giúp Startup tồn tại
1. Sự kiên trì
Câu nói hay của Bill Gates
Để có được sự ủng hộ và biết đến của công chúng đối với một doanh nghiệp mới thành lập là một điều vô cùng khó khăn và đầy thử thách. Không nói đến những trường hợp may mắn hoặc có sẵn bệ phóng tốt cho ý tưởng nhanh chóng nảy nở, các Startup hầu như đều phải mất rất nhiều thời gian để thị trường biết đến và sản phẩm của họ được chấp nhận. Các nhà quản trị thường có tâm lý nóng vội muốn thành công nhanh và điều này dễ dàng đưa doanh nghiệp đến con đường thất bại, các startup thật sự là những người rất trẻ và còn rất nhiều thời gian sau này để có thể phát triển và hoàn thiện, cho nên họ cần nhận thức được rằng nếu công ty của mình không phát triển nhanh thì điều đó không nhất thiết đồng nghĩa với việc nó sẽ thất bại.
Sự kiên trì là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp Startup có thể tồn tại và sống sót trong thời gian dài. Bởi vì trên thị trường, không quan trọng bạn có trước hay có sau, điều quan trọng là bạn tồn tại được bao lâu, ai là người tồn tại cuối cùng thì người đó chính là người chiến thắng.
Đặc biệt đối với các Startup đang nỗ lực xây dựng sản phẩm - dịch vụ cung cấp cho người dùng các giải pháp về những vấn đề mà họ đang gặp trong cuộc sống hằng ngày thì bắt buộc phải chấp nhận một thực tế là việc theo đuổi mục tiêu này sẽ mất rất nhiều thời gian. Khách hàng cần có thời gian để hiểu, thay đổi thói quen cũ và ủng hộ cách làm mới mà doanh nghiệp bạn mang đến. Lúc này Starup cần có lòng kiên trì rất cao, nếu bạn tự tin về sản phẩm - dịch vụ của mình hãy hết lòng theo đuổi nó.
2. Sự tập trung
"Luôn luôn nhớ, sự tập trung của bạn xác định thực tế của bạn" _ George Lucas
Một trong những sai lầm mà Startup hay gặp phải nhất chính là sự mất tập trung vào mục tiêu ban đầu dẫn đến những hướng đi sai lệch về sau. Điều này là một trong những điểm yếu khiến Startup gặp phải thất bại.
Lời khuyên: Doanh nghiệp khởi nghiệp luôn cần phải tập trung vào việc thực hiện các mục tiêu kinh doanh, đưa doanh nghiệp đến những vị trí dẫn đầu thị trường, bên cạnh đó cũng cần phải đặc biệt chú trọng đến khách hàng. Nhưng điều này không có nghĩa là doanh nghiệp phải chạy theo việc làm thỏa mãn mọi khách hàng, ngay cả khi việc đó làm thay đổi hình ảnh của mình.Các doanh nghiệp Startup nên bám sát tầm nhìn, sứ mệnh của mình, nhưng đồng thời cũng phải hết sức quan tâm đến khách hàng và những người ủng hộ của mình, tìm hiểu cảm nhận, đánh giá của họ về nhãn hiệu của doanh nghiệp, đánh giá liệu tầm nhìn, sứ mệnh của doanh nghiệp có thật sự giúp khách hàng cải thiện cuộc sống hay chưa.
3. Kỹ năng giao tiếp thuyết phục
"Nghệ thuật giao tiếp chính là ngôn ngữ của nhà lãnh đạo" - James Humes
Cách giao tiếp của các Startup có thể tạo ra sự thuận lợi cho doanh nghiệp hoặc quay lại cản trở nó. Khi khởi nghiệp, các ông chủ doanh nghiệp có thể có một đội ngũ nhân sự giỏi giang, một ý tưởng độc đáo, một mô hình kinh doanh sáng tạo. Nhưng tất cả những điều này sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu các ông chủ ấy không biết cách nói về chúng với những người xung quanh và làm cho họ hiểu được cũng như yêu thích những gì doanh nghiệp đang làm. Chủ doanh nghiệp cần phải có khả năng giao tiếp thuyết phục với nhân viên nội bộ cũng như các đối tác bên ngoài.
“Trong thế giới kinh doanh, các doanh nghiệp luôn đấu tranh để chiếm lĩnh thị trường và tìm kiếm một mảnh đất màu mỡ. Muốn đứng trên bục vinh quang, doanh nghiệp cần xây dựng một lực lượng hùng hậu và thúc đẩy đội ngũ của mình phát triển. Yếu tố nào sẽ giúp bạn biến lý thuyết thành hiện thực đó chính là giao tiếp. Giao tiếp tốt mang đến cho bạn và doanh nghiệp nhiều lợi ích hơn những gì bạn tưởng tượng” - Giám đốc truyền thông Andy Cook
4. Có tầm nhìn
"Tầm nhìn chính là nghệ thuật nhìn nhận những giá trị vô hình mà người khác không nhìn thấy được" _ Jonathan Swift
Đa số các Startup đều cho rằng mình có một tầm nhìn khi thành lập công ty. Tuy nhiên, Trên thực tế, đa số chỉ đưa ra được những mục tiêu ngắn hạn, không tạo ra cho công ty một “sức đề kháng” đủ mạnh, giúp nó vượt qua những sóng gió của thị trường. Để công ty start-up có khả năng tồn tại trên thị trường, các ông chủ nên đưa ra một tầm nhìn không chỉ cho hiện tại hay tương lai gần mà cho ít nhất 20 năm tiếp theo.
Khi đạt đến một cột mốc đầu tiên, doanh nghiệp không phải dừng lại, chờ đợi và tự hỏi mình sẽ theo đuổi con đường nào tiếp theo. Tầm nhìn phải là một “kim chỉ nam” dẫn đường cho doanh nghiệp trong cả một quá trình. Khi đi đến một cột mốc nào đó, doanh nghiệp sẽ không phải bỡ ngỡ với câu hỏi “chúng ta sẽ tiếp tục đi về đâu?”.
Việc bạn xem nhẹ vai trò của tầm nhìn chiến lược đối với doanh nghiệp mình đồng nghĩa với việc bạn tự cho phép những yếu tố ngoại cảnh ảnh hưởng tới thành công chung. Bằng cách sáng tạo ra tầm nhìn chiến lược, bạn sẽ kiểm soát được ngành kinh doanh của mình, chấp nhận trách nhiệm cho mỗi quyết định bạn đưa ra.
5. Quản trị thận trọng
Tỷ phú Warren Buffett
Cho dù bạn đang khởi nghiệp với một số vốn lớn hay một số tiền khiêm tốn, các công ty Startup cũng cần phải quản lý thận trọng tài sản của mình. Ở một góc độ nào đó, khởi nghiệp cũng giống như một canh bạc, nhưng những nhà lãnh đạo doanh nghiệp sáng suốt luôn biết đầu tư tiền của như thế nào và lúc nào. Họ không để lãng phí bất cứ một đồng vốn nào và biết khi nào nên bỏ ra thật nhiều tiền. Các nhà quản trị doanh nghiệp khởi nghiệp nên tranh thủ học các kiến thức cơ bản về tài chính doanh nghiệp để tránh đưa ra các quyết định tài chính sai lầm khiến cho doanh nghiệp sớm bị sụp đổ. Quản lý minh bạch và rõ ràng nguồn tài chính cũng giúp bạn có được những đánh giá chính xác về tình hình hoạt động của công ty trong thời gian qua và đưa ra được những định hướng phát triển cho công ty trong thời gian sắp tới.